top-banner-2

Thứ hai, 16/09/2024, 11:21 GMT+7

Chỉ đầu tư cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ khi đáp ứng yêu cầu vì lợi ích quốc gia

Viết bởi ducanh   
Thứ hai, 16/09/2024, 11:21 GMT+7

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu việc đầu tư xây dựng bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ chỉ thực hiện khi đáp ứng yêu cầu vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

chi-dau-tu-cang-trung-chuyen-quoc-te-can-gio-khi-dap-ung-yeu-cau-vi-loi-ich-quoc-gia

Phối cảnh Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 418/TB-VPCP ngày 13/9/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về Hồ sơ chủ trương đầu tư Dự án Bến cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn (tên theo Quy hoạch là bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ).

Tại Thông báo, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các Bộ, ngành phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình thẩm định Hồ sơ dự án theo quy định tại Luật đầu tư và các Nghị định hướng dẫn liên quan bảo đảm chặt chẽ, đầy đủ, đúng thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 5714/VPCP-CN ngày 12/8/2024.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn, hỗ trợ Nhà đầu tư đề xuất Dự án nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến bằng văn bản và ý kiến phát biểu tại cuộc họp của các Bộ, cơ quan để bổ sung, hoàn thiện Hồ sơ đề xuất theo quy định pháp luật, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hoàn thiện thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 9/2024.

Về mục tiêu, yêu cầu đặt ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm thẩm định, chỉ rõ các điều kiện, mục tiêu và yêu cầu về đầu tư, khai thác của Dự án bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, trong đó tập trung xác định các yếu tố cho giai đoạn 05 năm tới (đến năm 2030); việc đầu tư xây dựng bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ chỉ thực hiện khi đáp ứng yêu cầu vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Dự thảo quyết định chủ trương đầu tư phải xác định rõ, cụ thể các nội dung cơ bản, chủ yếu phải tuân thủ theo quy định của pháp luật và các nội dung có thể xem xét bổ sung, hoàn thiện sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư, trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi và phê duyệt dự án đầu tư; bảo đảm lựa chọn được nhà đầu tư có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm trong việc đầu tư xây dựng, khai thác, phát triển cảng trung chuyển quốc tế đủ năng lực cạnh tranh với khu vực, quốc tế, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn, gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ theo định hướng Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban chấp hành trung ương Đảng.

Phương án phát triển cảng phải bảo đảm tính tổng thể

Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng tối đa thông tin, số liệu của Đề án xây dựng bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh lập để cập nhật, hoàn thiện Hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đáp ứng tốt nhất cho việc thẩm định, xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án.

Về phương án phát triển cảng: phương án phát triển cảng phải bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ và có phân kỳ hợp lý cho từng giai đoạn phù hợp với quy hoạch cảng biển và nhu cầu theo kết quả dự báo hàng hóa thông qua cảng; thể hiện đầy đủ định hướng các khu chức năng chính của cảng (các khu dịch vụ phục vụ trực tiếp khai thác cảng, khu hành chính, khu cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, khu cung cấp xăng dầu, nhiên liệu, nước sạch, điện… ; trường hợp cần thiết có thể mời đơn vị tư vấn nước ngoài có năng lực, kinh nghiệm tham gia tư vấn).

Việc xác định phương án đầu tư và lộ trình đầu tư phải được xem xét, lựa chọn trên cơ sở kết quả đánh giá kỹ lưỡng tác động, ảnh hưởng giữa cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và các cảng khác, phải giải quyết tốt quan hệ giữa Cần Giờ với khu bến Cái Mép của cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu và ảnh hưởng qua lại giữa các dự án đã đầu tư; việc sử dụng, khai thác luồng hàng hải và các hạ tầng dùng chung.

Không bỏ qua và không "hy sinh" môi trường

Về đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế, quốc phòng, an ninh: Ngoài nội dung đánh giá tác động, mối quan hệ giữa bến cảng Cần Giờ và khu bến cảng Cái Mép, cần chỉ rõ phương án kế hoạch đầu tư hạ tầng kết nối theo đúng định hướng, quy hoạch phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh (Thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm công bố kế hoạch phát triển các hạ tầng như giao thông, điện, nước… phục vụ đầu tư, khai thác bến cảng Cần Giờ); Đặc biệt, do dự án liên quan đến khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên của Việt Nam, có giá trị và ý nghĩa rất lớn đối với Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực, cho nên phải đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện về tác động, ảnh hưởng đến môi trường; việc xem xét quyết định chủ trương đầu tư kiên quyết không "hy sinh" môi trường, chỉ rõ khu vực, diện tích cần chuyển mục đích sử dụng rừng (ở đâu, tác động thế nào?). Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Ngoại giao phải nêu ra đầy đủ, cụ thể và có chính kiến rõ ràng liên quan đến tác động của môi trường đến Dự án.

Về công nghệ: Phương án công nghệ khai thác cảng được định hướng hiện đại, thân thiện với môi trường, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới và được xác định theo thiết kế tổng thể và cụ thể hóa cho từng giai đoạn bảo đảm Nhà đầu tư khai thác hiệu quả tốt nhất. Bộ Giao thông vận tải và Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm làm rõ trong trong Báo cáo và định hướng rõ yêu cầu trong bước sau phải thực hiện để lựa chọn nhà đầu tư. Các nội dung này phải được nêu rõ trong chủ trương đầu tư Dự án.

Về tiêu chí cảng xanh: Báo cáo thẩm định và dự thảo quyết định chủ trương đầu tư phải xác định rõ nội dung yêu cầu Thành phố Hồ Chí Minh và Nhà đầu tư phải thực hiện đầu tư hạ tầng bảo đảm tiêu chí cảng xanh giai đoạn đến 2030, 2035 và 2050 (kế hoạch, lộ trình cung cấp nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường, đầu tư các hạ tầng, yêu cầu của đội tàu đến cảng….).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm đánh giá, thẩm định đầy đủ các nội dung liên quan theo quy định (như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng, công nghệ, môi trường, thời hạn, phân kỳ đầu tư, hiệu quả kinh tế - xã hội, vốn đầu tư,…) bảo đảm khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư đã được xem xét kỹ lưỡng, đầy đủ theo quy định pháp luật, nhất là vấn đề môi trường (không bỏ qua và không "hy sinh" môi trường; phải bảo đảm lợi ích tổng thể hài hòa, tránh tạo ra các xung đột, ảnh hưởng tiêu cực đến các dự án khác…).

Phải bảo đảm đầu tư theo đúng phương án đầu tư tổng thể

Yêu cầu đối với việc lựa chọn nhà đầu tư, Phó Thủ tướng yêu cầu Thành phố Hồ Chí Minh căn cứ theo Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, nghiên cứu xem xét bổ sung một số tiêu chí quan trọng khác để lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, có thể xem xét các nội dung như: thu hút được hãng tàu có đội tàu chiếm tỷ trọng lớn trên thế giới; yêu cầu về quy mô đầu tư, vốn đầu tư xây dựng trong 5 năm (phải hoàn thành đầu tư 04 bến cảng với tổng vốn khoảng 1,5 tỷ USD); hợp tác với doanh nghiệp trong nước để đầu tư, khai thác cảng; thực hiện đúng cam kết thu hút được khối lượng hàng hóa quốc tế trung chuyển qua cảng ...

Nhà đầu tư được lựa chọn phải bảo đảm thực hiện đầu tư theo đúng phương án đầu tư tổng thể, đồng bộ, theo đúng lộ trình, phân kỳ đầu tư theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước và đề xuất của Thành phố Hồ Chí Minh.

(nguồn: baochinhphu.vn)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Chỉ đầu tư cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ khi đáp ứng yêu cầu vì lợi ích quốc gia

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau-2

hoa-moc-thien

dai-lam-moc