top-banner-2

Thứ tư, 20/03/2013, 12:08 GMT+7

Doanh nhân ở đâu trong Dự thảo Hiến pháp?

Thứ tư, 20/03/2013, 12:08 GMT+7

Điểm đáng chú ý nhất trong hội thảo sáng 19/3 nhằm lấy ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vào Dự thảo Hiến pháp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, chính là việc hiến định vai trò của doanh nhân trong xã hội.

Một cuộc gặp gỡ của Thủ tướng với các đại diện doanh nghiệp đạt danh hiệu Sao Vàng đất Việt, nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10).

Điều 2 Dự thảo Hiến pháp sửa đổi quy định: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”.

Quy định này dường như đang làm cho các doanh nhân và các chuyên gia kinh tế kém vui, và đó là cơ sở bắt đầu cho nhiều ý kiến tại hội thảo này.

Ngay trong phát biểu đề dẫn, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đã đề nghị các tham luận tập trung vào vai trò của doanh nhân trong bản dự thảo hiến pháp.

Theo ông Lộc, trong bản Hiến pháp năm 1992 cũng như bản dự thảo lần này, cụm từ doanh nhân không xuất hiện và trong điều kiện hiện nay, vấn đề này cần phải được cân nhắc.

“Doanh nhân ngày càng đang trở thành lực lượng quan trọng quyết định sự hưng thịnh của đất nước. Đảng ta đã có nghị quyết về xây dựng phát huy vai trò của đội ngũ doanh doanh nhân trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, vì vậy cần phải tăng cường mối liên kết nông dân - công nhân - trí thức. Trong hội thảo này chúng ta cần phải trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh về doanh nhân doanh nghiệp để cân nhắc đề xuất, có nên đề cập đến vai trò của doanh nhân trong thời đại mới hay không”, ông Lộc nêu vấn đề.

"Với tư tưởng Hồ Chí Minh về khối đại đoàn kết dân tộc và thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng đội ngũ doanh nhân, tôi nghĩ, việc đề cập đến cụm từ doanh nhân và vai trò của doanh nhân trong khối đại đoàn kết dân tộc trong giai đoạn mới là rất cần thiết", ông Lộc nhấn mạnh.

Người đứng đầu VCCI đề xuất rằng dự thảo Hiến pháp có thể có hai sự lựa chọn: (1) chỉ nói đến tất cả quyền lực thuộc về nhân dân và (2) nếu đã nói đến công nhân, trí thức thì phải nói đến doanh nhân, bởi cụm từ doanh nhân xuất hiện trong hiến pháp sẽ có ý nghĩa to lớn, tạo thêm động lực cho giới này trong việc bỏ thêm trí tuệ xây dựng đất nước, đóng góp cho đất nước trong thời gian tới.

Quan điểm này cũng đã được một cấp phó của ông Lộc, ông Phạm Gia Túc, trình bày trong một bài viết gần đây.

Trong bài viết, ông Túc cho biết đã đề xuất ban soạn thảo cân nhắc bổ sung “đội ngũ doanh nhân” vào “liên minh”, tạo thành liên minh công - nông - trí - doanh. Theo đó, điều 2 có thể được điều chỉnh như sau: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức và đội ngũ doanh nhân…”.

“Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Có thể thấy rõ hơn vấn đề này thông qua phần quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 09-NQ/TW, trong đó nhấn mạnh việc xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là trách nhiệm của Đảng, của cả hệ thống chính trị và của bản thân mỗi doanh nghiệp, doanh nhân”, ông Túc phân tích.

Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng Hiến pháp cần làm nổi bật hơn vai trò doanh nghiệp dân tộc đã được đề cập đến trong một vài văn kiện của Đảng, mà việc xây dựng đội ngũ doanh nghiệp dân tộc nhanh chóng làm chủ thị trường trong nước và đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế là quan trọng nhất.

Đồng thời, cần nhấn mạnh chức năng của Nhà nước trước hết là người tạo môi trường đầu tư và kinh doanh hấp dẫn, là bà đỡ để doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi nhất trong kinh doanh, tích lũy vốn, đổi mới công nghệ, nghiên cứu và phát triển…, bằng hệ thống luật pháp ngày càng hoàn thiện theo kinh tế thị trường.

Trong khi đó, ông Vũ Quốc Tuấn, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ (1993-2006) cũng nhấn mạnh đến vấn đề quyền và nghĩa vụ của doanh nhân trong Hiến pháp.

Theo ông Tuấn, từ năm 1990, việc ban hành Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Công ty và tiếp theo đó là Luật Doanh nghiệp 1999 đã đặt cơ sở pháp lý đầu tiên cho việc hình thành và phát triển doanh nhân, song phạm vi hoạt động của kinh tế tư nhân vẫn còn bị hạn chế.

Trước đây, trong các văn kiện Đại hội Đảng, vẫn chưa có danh từ “doanh nhân”. Cho đến Đại hội lần thứ 9 của Đảng (tháng 4/2001) mới bắt đầu dùng khái niệm “nhà doanh nghiệp”; và đến Đại hội lần thứ 10 của Đảng (tháng 4/2006) mới dùng khái niệm “doanh nhân”, đồng thời từ năm 2004, ngày 23/10 hằng năm đã được Thủ tướng Phan Văn Khải quyết định lấy làm “Ngày Doanh nhân”.

“Trước yêu cầu của thời kỳ mới của công cuộc phát triển đất nước và hội nhập quốc tế, Hiến pháp cần có những quy định thể hiện rõ quyền và nghĩa vụ của doanh nhân nhằm xây dựng tầng lớp doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, văn hóa kinh doanh, có trách nhiệm xã hội, có đủ năng lực, trình độ để điều hành, quản lý các doanh nghiệp hoạt động có chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao”, ông Tuấn nói. 

Vị chuyên gia giàu kinh nghiệm về kinh tế Việt Nam cũng nhấn mạnh rằng, về vị trí của doanh nhân trong xã hội, điều 2 Dự thảo chỉ cần quy định “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” là đủ, thể hiện rõ hơn tư tưởng đại đoàn kết toàn dân, tránh phân biệt đối xử.

Ngoài ra, doanh nhân cần được Hiến pháp bảo vệ, theo đó bên cạnh các quy định về kiểm soát, hạn chế quyền lực của cơ quan nhà nước đã ghi trong Hiến pháp, cần có thêm quy định Nhà nước khuyến khích và tạo thuận lợi cho các tổ chức xã hội hoạt động nhằm nâng cao trình độ, năng lực, trợ giúp doanh nhân trong quản lý, điều hành và bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nhân, doanh nghiệp.

Trong khi đó, một chuyên gia kinh tế thuộc thế hệ trẻ hơn, ông Lê Duy Bình, thành viên nhóm nghiên cứu Economica Vietnam cho rằng việc vai trò của doanh nhân chưa được hiến định đã “gây không ít băn khoăn cho một cộng đồng không nhỏ những người đang ngày đêm cần mẫn làm công việc kinh doanh, với mục tiêu là tạo ra của cải cho bản thân, xã hội và vì sự thịnh vượng của quốc gia”.

“Cộng đồng doanh nhân không khỏi chạnh lòng khi không thấy tên mình trong nền tảng của quyền lực nhà nước và của nhân dân. Điều 2 của Dự thảo Hiến pháp như hiện nay đã tạo cảm giác cộng đồng doanh nhân vẫn còn bị phân biệt đối xử, và vai trò cũng như đóng góp của họ chưa được đánh giá một cách tương xứng”, ông Bình nói.

Và ông kết luận: “Giới doanh nhân mong muốn các nhà xây dựng Hiến pháp có sự đánh giá đầy đủ hơn về các nỗ lực của họ vì sự giàu có của đất nước, vì sự tiến bộ của xã hội, và cân nhắc cách thể hiện nội dung này nhằm loại bỏ sự thể hiện còn mang tính phân biệt đối xử, ngay trong bộ luật gốc này”. 

(Theo: vneconomy)

 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Doanh nhân ở đâu trong Dự thảo Hiến pháp?

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bhql2024

kndn1

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc