“Gót chân Achilles” của nữ Chủ tịch Vinamilk |
Thứ sáu, 28/12/2012, 10:14 GMT+7 |
Được biết đến là một nữ lãnh đạo thành công không chỉ trong nước mà ở cả khu vực, nhưng vị nữ tướng của Vinamilk và công sự cũng có những sai lầm. Bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinamilk: “Làm kinh doanh là căng thẳng, ai không muốn căng thẳng thì đừng làm kinh doanh” Ở tuổi 59, bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinamilk vẫn đầy nhiệt huyết với công việc. Điều hành một trong những công ty lớn nhất Việt Nam cứ như lẽ tự nhiên và dường như chẳng có áp lực nào với nữ doanh nhân này. Trả lời mọi câu hỏi của cánh phóng viên một cách thoải mái, không cần chuẩn bị nhưng vẫn đầy ắp thông tin và mạch lạc, chỉ có thể lý giải bằng một lý do: bà Liên quá hiểu nghề, hiểu kỹ và gắn bó sâu đậm với Vinamilk. Chân dung nữ doanh nhân quyền lực Tuần qua, cái tên Mai Kiều Liên lại được xướng lên một cách trân trọng khi lần đầu tiên, một doanh nhân Việt Nam đã vinh dự lọt vào danh sách 51 nhà lãnh đạo DN xuất sắc châu Á. Bà Liên được vinh danh trong cuộc bầu chọn do Tạp chí Quản trị doanh nghiệp châu Á (Corporate Governance Asia) có trụ sở tại Hong Kong thực hiện. Theo thông cáo từ Tạp chí này, nữ Tổng giám đốc Vinamilk đạt Giải thưởng Lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc châu Á 2012 do đã có những đóng góp cho sự phát triển kinh doanh của Vinamilk, đã phát huy trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường và nỗ lực nâng cao các tiêu chuẩn thực hành quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam. Đầu năm nay, bà Mai Kiều Liên cũng là doanh nhân duy nhất của Việt Nam được Tạp chí nổi tiếng Forbes bình chọn là 1 trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á. Tiêu chí “quyền lực” của Tạp chí Forbes đối với danh sách này là sự tổng hợp của nhiều yếu tố như ý tưởng, năng lực, khả năng lãnh đạo, đặc biệt quy mô doanh nghiệp họ điều hành, doanh thu ít nhất cũng phải đạt hàng trăm triệu USD mỗi năm. Bà Mai Kiều Liên làm việc tại Vinamilk từ năm 1976 và đã tại nhiệm vị trí Tổng giám đốc Công ty trong suốt 20 năm qua. Trong 5 năm trở lại đây, Vinamilk bất chấp khó khăn của nền kinh tế, mỗi năm vẫn đạt mức tăng trưởng 30%, doanh số của Công ty năm 2011 đạt hơn 1 tỷ USD và năm nay dự kiến đạt 28.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,4 tỷ USD, dự kiến năm 2017 sẽ đạt khoảng 3 tỷ USD. Cánh phóng viên ấn tượng về nữ doanh nhân này từ những ngày bà từ chối ra Hà Nội làm Thứ trưởng Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương). Bà nói làm kinh doanh là căng thẳng, ai không muốn căng thẳng thì đừng làm kinh doanh. Ở một công ty lớn, cái sự căng thẳng do vậy càng lớn hơn, nhưng nghiệp của bà là gắn với bận rộn, lo toan ở DN. Chiến lược kinh doanh: Chọn sức mua làm gốc rễ Một buổi sáng mùa hè, hơn 3 giờ đồng hồ trò chuyện của chúng tôi với nữ doanh nhân này trôi qua rất nhanh, nhanh bởi câu chuyện đầy ắp thông tin và cách trả lời rất dứt khoát, rất thuyết phục của bà. Thị phần của Vinamilk tăng mạnh và vượt trên các đối thủ nhờ sự thay đổi về phương thức quản lý kinh doanh trong 5 năm trở lại đây: không sản xuất, mua đứt bán đoạn để các đại lý làm mưa làm gió giá sữa, mà phát triển và quản lý kênh phân phối đến tận các điểm lẻ để thống nhất giá cả đến tay người tiêu dùng. Bà chia sẻ: “Chúng tôi quan niệm mỗi một đơn vị sữa lấy lợi nhuận thấp thôi, nhưng bán được nhiều thì sẽ có lợi nhuận lớn. Bao nhiêu năm nay, từ khi thành lập đến giờ, Vinamilk vẫn quan niệm là đại trà, lấy chất lượng và sản lượng là quan trọng, bán giá cao mình cũng khó cạnh tranh mà cũng khó bán”. Phát triển nhanh mạnh, nhưng quan điểm của bà Liên khiến cổ đông có thể hài lòng: tăng vốn phải gắn với tăng lợi nhuận và tăng vốn không lấy từ tiền túi của cổ đông. Vinamilk từ khi cổ phần hóa vốn là 1.700 tỷ đồng, đến nay là 5.557 tỷ đồng, tăng vốn bằng cách phát hành cổ phiếu thưởng, phát hành riêng lẻ, chứ không để cổ đông nộp thêm tiền. Trong 3 năm gần đây, cổ tức của Vinamilk luôn duy trì mức 40%/năm. Bà Liên bảo, để lợi ích cao ngắn hạn, chia lợi nhuận ngay thì dễ, nhưng phải nhìn dài hạn. Có lẽ bởi vậy nên năm 2011, Vinamilk đã trả toàn bộ nợ ngân hàng và đến nay Công ty không vay nợ nhà băng một đồng nào. Hiếm có công ty nào đầu tư lớn, kinh doanh ngang ngửa tầm quốc tế lại chủ yếu bằng vốn chủ sở hữu, bền vững như Vinamilk. Phong cách dứt khoát và hiệu quả của bà Chủ tịch còn được thị trường biết tới qua việc Vinamilk sẵn sàng chi các khoản lớn để kêu gọi những nhân sự trình độ cao về làm việc. Ông Trần Bảo Minh, một bậc thầy về maketing, từng đảm nhận làm các chức vụ cao cấp tại PepsiCo… đã từ chối môi trường làm việc hấp dẫn nhất thế giới, tại đại bản doanh của PepsiCo ở Mỹ để về đầu quân cho Vinamilk. Hỏi về chính sách lương của Vinamilk, bà Liên chia sẻ: “Chúng tôi thuê một tổ chức độc lập thứ ba, một công ty của Mỹ, họ chuyên về lĩnh vực tiền lương, tiền thưởng. Họ khảo sát cho chúng tôi 10 công ty đa quốc gia có doanh số và quy mô như Vinamilk và đưa cho chúng tôi xem lương trả như thế nào, các chế độ đãi ngộ ra sao. Lợi nhuận của họ không bằng chúng tôi. Chúng tôi có thể trả được bằng họ, nhưng trước mắt là trả một nửa và thực hiện từ từ”. Điều đó có nghĩa là chế độ đãi ngộ nhân tài tại Vinamilk, một doanh nghiệp đặc sệt Việt Nam, không hề thua kém các công ty đa quốc gia. Kết quả của chính sách quản trị nhân sự đúng đắn và tầm nhìn xa của bà chủ tịch thể hiện ở doanh số của Vinamilk luôn duy trì tăng trưởng ở mức rất cao 40 - 50%/năm. Gót chân Achilles Nói vậy, nhưng bà Liên và các cộng sự cũng có những sai lầm. Vinamilk từng chịu ảnh hưởng và cũng bị cuốn theo phong trào kinh doanh đa ngành nghề với những kế hoạch mở rộng sản xuất bia, cà phê… Song bà Liên đã sớm nhận ra sai lầm: “Tôi vốn có tính dứt khoát, thấy sai là sửa ngay và sửa nhanh. Vinamilk sau đó bán cổ phần trong liên doanh sản xuất bia cho đối tác, bán lại Nhà máy cà phê Sài Gòn cho Trung Nguyên. Số thiệt hại không đáng kể. Giờ Công ty chỉ đi theo một con đường: sản xuất sữa và các loại nước uống có lợi cho sức khoẻ”. Hỏi bà Chủ tịch, khi chèo lái một con thuyền lớn, bà có chịu nhiều áp lực không? Bà cười thoải mái và trả lời: “Nhiều người hỏi tôi câu này rồi. Bản thân tôi không thấy áp lực, mà cứ thấy việc nó đến, việc mình phải làm, trách nhiệm phải mang là đương nhiên. Nếu mình cứ nghĩ là áp lực thì sẽ rất nặng nề”. Nguyên tắc quản trị cao nhất được người đứng đầu Vinamilk chia sẻ: “Đối với người lãnh đạo, quan trọng tập thể là một khối đoàn kết. Không ai say sưa với một công ty mà nội bộ không đoàn kết”. Một ngày làm việc của bà Liên thường bắt đầu từ rất sớm và bà chia sẻ rằng, ở Vinamilk, mọi công việc đều phải được xử lý rất nhanh. Bà kể: “Chúng tôi phân quyền rất rõ ràng, mỗi bộ phận có giám đốc điều hành và họ được chủ động, toàn quyền xử lý mọi vấn đề liên quan. Chỉ khi có khó khăn, anh em mới cần xin ý kiến của tôi. Tôi xử lý cũng rất nhanh, trong vòng 1 ngày là phải có câu trả lời cho các bộ phận. Tôi làm việc qua thư điện tử là chủ yếu”. Trong ngành sữa Việt Nam, Vinamilk là số 1, kinh doanh chắc chắn, hiệu quả, tài năng và nhiệt huyết của bà Liên đã chứng minh bằng thành công của Công ty. Chỉ có thể thấy “gót chân Achilles” của vị nữ doanh nhân này là bà chưa đào tạo được người kế nhiệm. Ở bất kể công ty nào có vốn Nhà nước, lãnh đạo doanh nghiệp đều được yêu cầu xây dựng phương án quy hoạch nhân sự thay thế khi họ đến tuổi nghỉ hưu. Trước thềm đại hội đồng cổ đông năm nay, vấn đề này cũng được đặt ra khi HĐQT cũ đã hết nhiệm kỳ. Tuy nhiên, vai trò và tầm quan trọng của bà Mai Kiều Liên quá lớn với doanh nghiệp, cũng như chưa thấy một ứng viên nào đủ để đảm đương thay bà, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước đã tin tưởng giới thiệu bà Liên tiếp tục đảm nhận nhiệm kỳ mới trên cương vị tư lệnh con tàu Vinamilk. Bà Liên là một trong rất ít người đại diện vốn Nhà nước (quá tuổi nghỉ hưu theo Luật Lao động) được tiếp tục giao trọng trách lớn. Tài năng và nhiệt huyết của nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã thắng thế thời gian và vượt qua tuổi tác. Trong nhiệm kỳ mới, thách thức với doanh nhân Mai Kiều Liên có lẽ không nằm ở những con số doanh thu và lợi nhuận, mà chính là đào tạo người kế nhiệm bà tại Vinamilk. ( Theo DNCT) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|