Trẻ sẽ ngừng nói dối khi có phụ huynh thuận theo 3 điều |
Viết bởi ducanh |
Thứ tư, 19/08/2020, 11:57 GMT+7 |
Khi các bậc cha mẹ quan sát kỹ lưỡng hành vi của trẻ, họ sẽ rất ngạc nhiên khi phát hiện rằng trẻ có rất nhiều điểm tương tự giống họ. Bởi thế, cha mẹ cần bình tĩnh khi phát hiện con nói dối. Bọn trẻ có nói dối chứ! Đúng, chúng nghịch ngợm, bày bừa khắp nhà và thản nhiên chỉ tay đổ tội về phía chú chó đang nằm ngoan trong góc nhà. Chúng mở mắt to giả vờ như mình chẳng làm gì khiến chiếc bình hoa quý giá vỡ "choang" một tiếng trong phòng khách. Đó cũng chỉ là những hành vi bình thường của một đứa trẻ bình thường mà thôi. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cần phải lưu ý: nói dối nhiều có thể hình thành thói quen xấu ở trẻ và thói quen này có thể "ăn sâu" vào tính cách đến tận khi chúng trưởng thành. Một đứa trẻ lớn lên có thói quen nói xấu cũng chính là hình ảnh phản chiếu chúng đã nhìn thấy và học hỏi gì từ bố mẹ chúng. Môi trường sống xung quanh, những người xung quanh thực sự gây ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của một đứa trẻ. Nhiều bố mẹ có thể vô thức rơi vào những thói quen nuôi dạy con không tốt và có thể gây hại tới sự phát triển của con mình. Đây là điều các bậc phụ huynh nên lưu tâm, nếu muốn tránh việc nuôi một đứa con trở thành một người lớn nói dối. Sự nguy hiểm của những hình phạt "không chuẩn" Eliza Kingsford, một nhà trị liệu tâm lý và chuyên gia thay đổi hành vi cho biết: "Hầu hết trẻ em đều thử nghiệm nói dối vào một thời điểm nào đó trong quá trình lớn lên của chúng". Chuyên gia cũng nhắc nhở thêm, bố mẹ càng cố ra hình phạt thì trẻ càng có xu hướng phát triển thói quen nói dối khéo léo để tránh bị trừng phạt lần sau. Vì thế, bạn phải thay đổi quan điểm trong cách tiếp cận cảm xúc của con trẻ để dạy con mình tốt hơn. Những bậc cha mẹ biết tầm quan trọng của sự trung thực trong mối quan hệ với người khác, thay vì tập trung vào việc căn dặn con nói dối là xấu như thế nào, sẽ có xu hướng nuôi dạy con cái dễ thành thật hơn. Chuyên gia Kingsford cho biết: "Những đứa trẻ được nuôi dưỡng trong một môi trường an toàn và được khuyến khích bày tỏ cảm xúc sẽ ít nói dối hơn để bảo vệ mình khỏi sự xấu hổ hoặc trừng phạt". Nếu một đứa trẻ cảm thấy an toàn khi thể hiện bản thân, ngay cả khi chúng biết mình đã làm điều gì đó sai trái và không bận tâm đến những lời đe dọa trừng phạt, chúng sẽ có xu hướng trung thực hơn. 1. Làm gương Nếu chính bố mẹ có thể xây dựng tính trung thực và thường xuyên nói ra sự thật, bằng cách làm gương, bố mẹ sẽ khuyến khích được con trẻ ít nói dối hơn. Chuyên gia nuôi dạy con cái toàn cầu Jo Frost chia sẻ: "Thể hiện minh bạch về cảm giác của bạn với những gì bạn đang nói sẽ khuyến khích con bạn dành một chút thời gian để suy nghĩ về những gì nó đã làm với người khác. Từ đó, sẽ cho phép các bậc phụ huynh thúc đẩy sự đồng cảm hơn với con cái của mình". Bố mẹ hãy cùng con trải qua các tình huống khác nhau và thảo luận xem chúng có thể cảm thấy thế nào và chúng sẽ làm gì trong những tình huống đó. Bằng cách đó, con cái sẽ được mở rộng ý tưởng và tăng thêm sự hiểu biết về tầm quan trọng của sự trung thực. 2. Thưởng khi nói thật nhưng không thương lượng khi nói dối Frost cho rằng: "Khi chúng ta đánh giá cao sự tích cực trong việc nói sự thật, đồng thời cũng đảm bảo con cái chúng ta hiểu rằng nói dối không thể thương lượng được vì hậu quả đã gây ra, tôi tin đứa trẻ đó sẽ gần gũi hơn với bố mẹ, chấp nhận và chịu trách nhiệm cho những lựa chọn và hành động của chúng". Đi sâu hơn để hiểu lý do tại sao những lời nói dối này được nói ra, với tư cách là phụ huynh, bạn có thể biết bố mẹ và con cái cần phải làm gì cùng nhau. Có lẽ, có những vấn đề tiềm ẩn về lòng tự trọng ở con bạn, hoặc bạn đang quá khoan dung với hành vi của chúng. 3. Xây dựng niềm tin Niềm tin cần trao đi từ bố mẹ trước nhưng các bậc phụ huynh cũng nên nhớ: đừng hứa quá nhiều, đừng hứa suông với trẻ. Nếu bố mẹ biết mình không thể giữ lời hứa của mình, thì đừng nói ra. Nói càng nhiều mà không làm chút nào có thể làm tổn thương lòng tin của con bạn đối với bạn. Và nếu vô tình, bạn không thể giữ lời hứa (điều đó xảy ra) thì hãy chắc chắn rằng bạn phải xin lỗi con và giải thích tình hình với trẻ một cách trung thực. Xây dựng lòng tin sẽ là chìa khóa để bố mẹ có một mối quan hệ vững vàng hơn với con cái. Dưới đây là hướng dẫn nhanh về những việc cần làm khi con bạn vừa nói dối: - Bố mẹ cần tỏ ra bình tĩnh. - Nói rõ sự thất vọng của bạn nhưng không bằng thái độ gay gắt. - Kể những gì bạn biết để con bạn có cơ hội cho bạn biết sự thật. - Đừng nản chí nếu cần giải quyết hậu quả, nhưng hãy thảo luận với con về một cách giải quyết khác bình tĩnh hơn. - Hãy hiểu rõ trẻ em nói dối là một tình huống rất phổ biến đối; tuy nhiên, việc xác định cách chúng ta thay đổi điều đó và thay đổi thói quen đó ở con là điều tạo nên sự khác biệt! theo V.D / cafebiz.vn - 19/08/2020 link nguồn: https://cafebiz.vn/con-cai-la-tam-guong-phan-chieu-cua-cha-me-tre-se-ngung-noi-doi-khi-co-phu-huynh-thuan-theo-3-dieu-20200819110747513.chn Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|