top-banner-2

Thứ năm, 17/10/2024, 10:13 GMT+7

Lấp khoảng trống pháp lý để bảo đảm an ninh năng lượng

Viết bởi ducanh   
Thứ năm, 17/10/2024, 10:13 GMT+7

Các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, tham vọng phát triển điện từ các nguồn năng lượng mới của Việt Nam là rất lớn, tuy nhiên nếu thiếu cơ sở pháp lý vững chắc sẽ gây ra nguy cơ ảnh hưởng an ninh năng lượng quốc gia.

lap-khoang-trong-phap-ly-de-bao-dam-an-ninh-nang-luong

Tọa đàm thu hút sự tham dự của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp trong lĩnh vực điện, năng lượng

Ngày 16/10, Hội Dầu khí Việt Nam đã tổ chức tọa đàm "Luật Điện lực (sửa đổi): Các khoảng trống pháp lý cần được lấp đầy và bổ sung theo tinh thần Nghị quyết 55-NQ/TW, Kết luận 76-KL/TW".

TS. Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho biết, việc thể chế hóa đầy đủ các nội dung của Nghị quyết 55-NQ/TW, Kết luận 76-KL/TW và các chủ trương, chính sách của Đảng vào Luật Điện lực sẽ khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hoạt động điện lực tại Việt Nam; thúc đẩy đầu tư ngành năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu, tổng hợp cho thấy, việc hiện thực hóa các dự án nguồn điện khí, khí LNG và điện gió ngoài khơi vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc, nguy cơ không đảm bảo tốc độ phát triển các dự án nguồn điện trong ngắn hạn và dài hạn theo quy hoạch.

Cấp thiết cần cơ chế thí điểm cho điện gió ngoài khơi

Tại tọa đàm, khi bàn về các vướng mắc của điện gió ngoài khơi, TS. Dư Văn Toán, chuyên gia năng lượng tái tạo (Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, ở Việt Nam điện gió ngoài khơi có tiềm năng tốt, nhất là vùng Nam Trung Bộ, do đó, việc đăng ký diện tích biển để khảo sát, đầu tư thực hiện đang "cháy chỗ".

Theo TS. Dư Văn Toán, hiện có 4 vướng mắc của dự án điện gió ngoài khơi theo xác định của Bộ Công Thương: Chưa rõ cấp có thẩm quyền giao khu vực biển, cho phép hay chấp thuận cho các tổ chức sử dụng khu vực biển để thực hiện các hoạt động đo đạc, quan trắc, điều tra, thăm dò, khảo sát nhằm phục vụ lập dự án điện gió ngoài khơi. Quy hoạch không gian biển quốc gia chưa được phê duyệt, nên chưa có cơ sở triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII. Các vướng mắc về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư. Các điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi. 

Ông Dư Văn Toán nhìn nhận câu chuyện quy hoạch cần Luật Điện lực (sửa đổi) sớm rà soát tới vấn đề cấp phép với các tiêu chuẩn đo lường.

Từ thực tế đó, TS. Dư Văn Toán đề xuất có cơ chế để phục vụ dự án thí điểm, kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết về thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi, với quy mô ở mức 1.000-2.000 MW, đồng thời quy định thời gian, giá cả triển khai.

Điện khí cần thúc đẩy

Một lĩnh vực khác được Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) xác định dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng là điện khí.

Là đơn vị đang triển khai các dự án này, ông Nguyễn Duy Giang, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) chia sẻ, các dự án điện khí được PV Power chuẩn bị trong 8 năm, trong đó quá trình làm thủ tục mất 2/3 thời gian, cho thấy vấn đề hoàn chỉnh thủ tục pháp lý chiếm nhiều thời gian thực hiện.

"Nếu không có nhận thức khác về thúc đẩy cơ chế mua bán điện thì không thể đẩy mạnh phát triển các dự án điện khí LNG. Từ bài học kinh nghiệm của dự án Nhà máy điện khí Nhơn Trạch 3&4, kiến nghị Bộ Công Thương có cái nhìn thực tiễn để rút kinh nghiệm cho các dự án LNG về sau. Đề xuất mô hình tài chính các dự án bắt buộc phải có hợp đồng mua bán điện PPA", ông Nguyễn Duy Giang kiến nghị.

Theo PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), hiện đang thiếu cơ chế chính sách để thúc đẩy điện khí trở thành "trụ đỡ" cơ cấu nguồn điện của nước ta đến năm 2030. Nếu "trụ đỡ" không được tạo cơ chế phát triển thì chắc chắn sẽ "sập", gây ảnh hưởng tới an ninh năng lượng quốc gia.

Nhận định lợi thế phát triển điện khí ở Việt Nam lớn nhưng những rào cản hiện không nhỏ, ông Ngô Trí Long khuyến nghị giá điện khí - LNG cần phải theo cơ chế thị trường, bởi chi phí nhập khẩu LNG thường chiếm tỷ lệ lớn trong tổng chi phí sản xuất điện. Nếu giá điện được quy định hành chính, sẽ không phản ánh đúng chi phí thực tế, dẫn đến tình trạng lỗ và thiếu hụt nguồn cung.

Ông Ngô Trí Long cũng cho rằng, cần các cam kết dài hạn giúp đảm bảo nguồn cung LNG ổn định cho sản xuất điện. Điều này quan trọng trong bối cảnh giá LNG có thể biến động lớn theo thời gian và các yếu tố thị trường.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia đề xuất mở rộng đối tượng được mua bán điện trực tiếp, bao gồm cả điện khí và khí LNG, tạo ra sự cạnh tranh, từ đó thúc đẩy hiệu quả và giảm giá điện cho người tiêu dùng.

Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam Phan Tử Giang khẳng định, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án điện từ nguồn năng lượng mới không chỉ là vấn đề của riêng Petrovietnam mà còn là điều kiện cần thiết để tất cả doanh nghiệp tham gia thị trường điện

Tại tọa đàm, ông Đoàn Ngọc Dương, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, trong phát triển điện lực nói riêng và năng lượng nói chung, các vướng mắc còn đa dạng. "Cơ quan soạn thảo sẽ nỗ lực giải quyết theo hướng tập trung xử lý tối đa các vấn đề phát sinh, thể chế hóa đường lối, chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Nội dung nào chưa được tổng kết kinh nghiệm từ thực tiễn, cơ quan soạn thảo sẽ áp dụng các quy định có tính khái quát và ban hành thông tư, nghị định hướng dẫn dưới Luật".

(nguồn: baochinhphu.vn)

 

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Lấp khoảng trống pháp lý để bảo đảm an ninh năng lượng

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau-2

hoa-moc-thien

dai-lam-moc