Hình ảnh con ngựa bị buộc vào chiếc ghế và tố chất không thể thiếu của một nhà lãnh đạo thành công |
Viết bởi Mai Ngọc | |
Thứ sáu, 02/08/2019, 10:18 GMT+7 | |
Một con ngựa bị buộc dây vào một chiếc ghế nhựa. Ai nhìn vào cũng biết việc buộc này không có tác dụng gì. Nhưng con ngựa thì không nghĩ vậy. Nó cho rằng mình không thể đi được vì đã bị buộc rồi. Một số con người cũng vậy, họ luôn nghĩ rằng mình đang bị buộc mà không có can đảm, không dám vượt ra khỏi nhà tù tinh thần của chính mình… "Để chuyển giao giữa các thế hệ lãnh đạo ở doanh nghiệp gia đình thành công dù là ở Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào, theo tôi, cần hội đủ 3 yếu tố", ông Alain Goudsmet - Chủ tịch Mentally Fit Global - chia sẻ. Ông Alain là chuyên gia quốc tế nổi tiếng trong lĩnh vực huấn luyện tinh thần, với hơn 20 năm kinh nghiệm trong việc hướng dẫn các cá nhân và đội ngũ với mục tiêu đạt hiệu suất cao nhất. 3 yếu tố mà ông Alain đề cập là: Tinh thần doanh nhân (dám nghĩ, dám làm và kiên định với mục tiêu); Tư duy hướng đến hiệu quả công việc (luôn tập trung vào kết quả, đặt khách hàng ở vị trí trung tâm trong mọi hoạt động của doanh nghiệp); và Thái độ của một người Lãnh đạo kiêm Huấn luyện viên trong việc truyền cảm hứng, tạo ra năng lượng, đam mê với công tác phát triển đội ngũ. Con ngựa bị buộc vào ghế nhựa và công thức vàng để phát triển con người Theo ông Alain, công thức vàng trong Growing people (phát triển con người) là 70 + 20 +10. Trong đó: - 10% thay đổi nhờ Training (đào tạo, tập huấn) kỹ năng mới, kiến thức mới. - 20% thay đổi nhờ Social Interaction (tương tác xã hội), tức chúng ta trao đổi với đồng nghiệp, bạn bè, chia sẻ những kinh nghiệm, thực tiễn tốt và cùng nhau phát triển. Điều này không cần học chính thức trong lớp học hay các khoá đào tạo tập huấn, mà học trong môi trường xã hội. - 70% thay đổi nhờ on-the-job coaching Lý giải sự khác biệt giữa Training (Đào tạo) và Coaching (Huấn luyện, Tham vấn), ông Alain giải thích: Training là luyện tập, hoặc đào tạo, hay như học ngoại ngữ chẳng hạn, để có thêm những kỹ năng, kiến thức mới. Nhưng liệu chúng ta có thể vận dụng tốt kiến thức đó trong thực tiễn hay không? Chủ tịch Mentally Fit Global lấy hình ảnh một con ngựa bị buộc vào một chiếc ghế nhựa. Ai nhìn vào cũng biết việc buộc này không có tác dụng gì. Nhưng con ngựa thì không nghĩ vậy. Nó cho rằng mình không thể đi được vì đã bị buộc rồi. "Con người cũng vậy. Một số luôn nghĩ rằng mình đang bị buộc bởi một sợi dây thì không thể đi đâu cả. Trong trường hợp này, nếu chúng ta động viên con người, để họ hiểu năng lực của họ làm được, thì họ có thể làm được điều họ muốn làm". "Những người này cần được Coach, chứ không phải được Train. Con ngựa đó hoàn toàn đi được, nhưng nó nghĩ nó không thể, và chỉ đứng quanh quẩn một chỗ. Nếu như Training tác động từ bên ngoài vào thì Coaching tác động từ bên trong. Chúng ta hoàn toàn có thể làm được, nhưng có can đảm, có dám làm hay không. Một người lãnh đạo giỏi cần khuyến khích được nhân viên để họ vượt ra được nhà tù tinh thần của chính mình", ông Alain nói. Đưa được một doanh nghiệp lên tầm "đế chế" không thể chỉ dựa vào sự thông minh lý trí Nhắc lại 3 yếu tố để chuyển giao giữa các thế hệ lãnh đạo ở doanh nghiệp gia đình thành công, ông Alain cho biết ba yếu tố đó cũng là một khía cạnh khác của "Yếu tố cảm xúc". Để thúc đẩy đội ngũ hành động, nếu những người lãnh đạo chỉ tác động vào "Yếu tố lý trí" là chưa đủ. Những người lãnh đạo còn cần phải "chạm" được vào "cảm xúc" của đội ngũ nhân sự trong doanh nghiệp của mình.
"Do vậy, những người lãnh đạo không thể chỉ dựa vào "thông minh trí tuệ" để dẫn dắt đội ngũ với mong muốn nâng tầm doanh nghiệp gia đình mình trở thành một "đế chế" có thể vươn ra các thị trường khu vực và thế giới. Cảm xúc có tính "lan truyền", còn trí tuệ lại không thể "lan truyền" từ người này sang người khác. Muốn phát triển DN một cách bền vững, những người lãnh đạo cần "tác động" đến cả "trí óc" và "trái tim" của từng cá nhân trong đội ngũ nhân sự của DN", ông Alain nói. Ông cho rằng, thế hệ lãnh đạo kế cận cần kết hợp cả kỹ năng Lãnh đạo sắc bén (truyền cảm hứng, giúp từng cá nhân/ đội nhóm trong DN của họ hiểu mục tiêu và ý nghĩa của công việc của mình tại DN, chỉ cho đội ngũ nhân sự nhìn được bức tranh tươi sáng của DN trong tương lai, …) và kỹ năng Huấn luyện hiệu quả (đưa phản hồi cho từng cá nhân/ đội ngũ trong DN, thúc đẩy đội ngũ ra khỏi vùng "thoải mái"/ "quen thuộc" của họ để "kích hoạt" được những khả năng "tiềm ẩn" họ đã sẵn có, giúp họ bứt phá và đạt được những thành tựu mà chính những cá nhân hay đội ngũ ấy cũng không nghĩ họ có thể đạt được). "Tôi muốn nhắn nhủ với thế hệ lãnh đạo kế cận của các doanh nghiệp gia đình Việt Nam rằng "Các bạn đừng nóng vội! Hãy luôn giữ tâm thái cởi mở, một tinh thần kiên trì sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn. Dẫn dắt doanh nghiệp gia đình không phải là "một cuộc chạy đua nước rút". Đó là một "cuộc đua ma-ra-tông" cần đến nỗ lực của các bạn trên một chặng đường dài". "Nhịp độ" quan trọng hơn "Tốc độ". Các bạn hãy dành thời gian học hỏi những điều mới mẻ từ những lĩnh vực sản xuất và kinh doanh khác, trải nghiệm những nền văn hoá khác, xây dựng mạng lưới các mối quan hệ có chất lượng từ cả trong nước lẫn ngoài nước. Các bạn không nên "đốt cháy giai đoạn" khi các điều kiện cần và đủ chưa hội tụ. Nếu nóng vội, có khi các bạn lại mất nhiều thời gian hơn do phải làm lại từ đầu!", Chủ tịch Mentally Fit nhắn nhủ. Theo Bảo Bảo (Tri thức trẻ)/Cafebiz.vn - 2/8/2019 Link nguồn: http://cafebiz.vn/hinh-anh-con-ngua-bi-buoc-vao-chiec-ghe-va-to-chat-khong-the-thieu-cua-mot-nha-lanh-dao-thanh-cong-20190801151135531.chn Tags: Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|