top-banner-2

Thứ ba, 10/09/2024, 09:38 GMT+7

Một số bài thuốc chữa bệnh từ củ gừng

Viết bởi ducanh   
Thứ ba, 10/09/2024, 09:38 GMT+7

Củ gừng là gia vị quen thuộc với ẩm thực của người Việt Nam, hơn nữa đây còn là vị thuốc Đông y nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe.

Tác dụng của củ gừng với sức khoẻ

Báo Lao động dẫn lời Dược sĩ Lê Hằng - Viện Nghiên cứu phát triển Y Dược cổ truyền Việt Nam cho biết, gừng là cây bản địa của châu Á, được sử dụng cách đây hơn 4.400 năm. Từ lâu gừng trở thành hương liệu ẩm thực nổi tiếng trên khắp thế giới, đồng thời là một trong những vị thuốc quan trọng của y học cổ truyền ở nhiều quốc gia.

Ở Trung Quốc, gừng được dùng làm thuốc chống độc, an thần, chống viêm, kích thích ăn ngon miệng, dễ tiêu. Ở Nepal, gừng được dùng để chữa cảm cúm, cảm lạnh, ăn uống khó tiêu, viêm khớp.

Dưới góc nhìn y học hiện đại, tác dụng của gừng được chứng minh bằng nhiều công trình nghiên cứu trên cả thực nghiệm và lâm sàng. Trong đó, tác dụng nổi bật nhất được biết đến là điều trị chứng khó tiêu và buồn nôn, đặc biệt là buồn nôn trong các trường hợp thai nghén ở phụ nữ, say tàu xe hoặc tác dụng phụ của các chất hóa trị liệu trong điều trị ung thư.

Ngoài ra, gừng còn chứa các chất chống oxy hóa mạnh mẽ và có thể làm giảm hoặc ngăn chặn sự hình thành các gốc tự do - thủ phạm gây ra nhiều căn bệnh nan y như các bệnh ung thư, tim mạch. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy gừng là loại thảo dược đầy hứa hẹn trong việc ức chế khối u, chống viêm, tăng cường miễn dịch, ổn định huyết áp.

Trong y học cổ truyền, sử dụng gừng để chữa bệnh dưới nhiều dạng khác nhau như gừng tươi (sinh khương), gừng khô (can khương), tiêu khương (gừng khô thái lát dày, sao sém vàng, đang nóng vẩy vào ít nước, đậy kín, để nguội), bào khương (củ gừng đồ cho chín rồi để trong mát cho đến khô, sao lửa to cho xém đen) hoặc thán khương (gừng khô thái lát dày, sao cháy đen tồn tính), sinh khương bì (vỏ gừng tươi, phơi khô).

Gừng tươi vị cay, mùi thơm hắc, tính nóng. Gừng thường dùng để chữa cảm mạo phong hàn, nhức đầu, ngạt mũi, ho có đờm, nôn mửa, bụng đầy trướng. Gừng còn dùng làm thuốc kích thích tiêu hóa, tăng bài tiết, sát trùng, giải độc ngứa do bán hạ, cua, cá, chim, thú độc. Ngoài ra gừng dùng làm thuốc xoa bóp và đắp ngoài chữa sưng phù và vết thương.

mot-so-bai-thuoc-chua-benh-tu-cu-gung

Gừng là vị thuốc Đông y tốt cho sức khoẻ.

Một số bài thuốc chữa bệnh từ củ gừng

Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời BSCK2. Huỳnh Tấn Vũ giới thiệu một số bài thuốc chữa bệnh từ củ gừng như sau:

- Gừng khô, gừng sao chữa đau bụng lạnh, đầy trướng không tiêu, thổ tả, chân tay giá lạnh, mạch nhỏ, đàm ẩm, ho suyển và thấp khớp. Ngày dùng 4-20g dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán (thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác).

- Chữa ho lâu ngày: Gừng sống giã lấy nước cốt (1 thìa) trộn mật ong (1 thìa). Đun nóng, uống dần ít một.

- Đau lưng, đau vai gáy do lạnh: Có thể dùng rượu gừng làm thuốc xoa bóp, massage cơ để cơ bắp được thả lỏng hơn. Hoặc chườm nóng vai gáy với gừng rang với muối hột.

- Đau xương khớp mùa lạnh: Ngâm chân, tay hoặc tắm với nước thảo dược có thành phần là gừng tươi. Hoặc sử dụng gừng rang với muối hột chườm lên vùng đau.

Nếu như Hàn (thời tiết lạnh) là nguyên nhân gây đau nhức khớp, thì rượu gừng dùng để xoa bóp ngoài khớp giúp làm ấm nóng, tăng tuần hoàn máu có thể giúp giảm đau, tuy nhiên khi sử dụng cần thận trọng không nên lạm dụng.

Gừng vị cay nóng, tính ấm nên khi ăn gừng tươi có tác dụng làm giãn các mao mạch, thúc đẩy quá trình tiết mồ hôi, giúp làm ấm cơ thể từ bên trong. Phương pháp này không chỉ hỗ trợ tuần hoàn máu tốt hơn mà còn có thể chống lại virus hợp bào hô hấp, ngăn cản các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Dân gian cũng sử dụng gừng để cạo gió trị cảm lạnh.

Lưu ý: Nếu muốn sử dụng thuốc y học cổ truyền điều trị bệnh, người bệnh nên tư vấn với thầy thuốc hoặc đến cơ sở y tế hợp pháp để được thăm khám, đánh giá, chẩn đoán và sử dụng thuốc thích hợp.

Không nên tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, ngay cả cây thuốc đông y sẽ không khỏi bệnh hoặc gây nguy hiểm cho sức khỏe. Gừng tác dụng phụ là làm tăng huyết áp, nếu dùng trên người bệnh có tăng huyết áp hết sức cẩn thận.

Không dùng lượng nhiều, không dùng lâu dài vì bệnh cảnh nhất là người cao tuổi đa bệnh thái, sẽ hết sức nguy hiểm khi tự chữa bệnh cho mình, cho người thân.

(nguồn: vtcnews.vn)

 

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Một số bài thuốc chữa bệnh từ củ gừng

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bia-kndn

miss-charm

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc