Chân dung không thấy mặt |
Thứ bảy, 20/07/2013, 09:08 GMT+7 |
Mỗi năm, cứ vào đầu tháng 7, Ban tổ chức Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can (do Báo Doanh Nhân Sài Gòn và CLB Doanh nhân Sài Gòn tổ chức) tiếp nhận 500 triệu đồng tiền tài trợ từ một doanh nhân. Khoản tiền ấy trong thời buổi khó khăn như thế này chắc chắn là không nhỏ đối với doanh nghiệp. Theo thông lệ, Ban tổ chức lên kế hoạch "trả công" bằng hình thức quảng bá tên tuổi cá nhân, doanh nghiệp tài trợ cho tương xứng với mức đóng góp của đơn vị anh. Nhưng anh đã từ chối nhận những quyền lợi này, với lý do rằng làm từ thiện thì không nên phô trương, và yêu cầu giấu tên. Những ai đã từng tổ chức sự kiện, nhất là các chương trình xã hội, đều biết rõ việc "trả quyền lợi cho nhà tài trợ" khá mệt mỏi, vì những yêu cầu của nhà tài trợ đôi khi vượt quá khả năng của mình, như đòi hỏi logo đơn vị được quảng bá ở những nơi thật đông người qua lại, phải có nhiều tờ báo và đài truyền hình đưa tin… Nói vậy để thấy nhà tài trợ yêu cầu giấu tên như anh xưa nay hiếm! Với số tiền 500 triệu đồng do anh tài trợ, mỗi năm BTC Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can trao thưởng cho 50 sinh viên xuất sắc trong cả nước, nhiều em viết thư đến Ban tổ chức xin biết tên nhà tài trợ để bày tỏ lòng biết ơn, nhưng anh đều chối từ. Doanh nghiệp của anh hoạt động trong lĩnh vực du lịch, đến nay đã tròn 15 tuổi, mỗi năm anh đều có thêm sản phẩm mới, cơ ngơi cứ tăng dần theo thời gian. Tôi hỏi một nhân viên của anh về tiền thưởng hằng năm, người ấy cho biết: "Tụi em được thưởng 5 tháng lương như mọi năm". Tôi nhẩm tính, đơn vị anh có khoảng 400 cán bộ - nhân viên, nếu lương bình quân mỗi người 8 triệu đồng một tháng, thì mỗi năm anh đã chi thưởng tới 16 tỉ đồng. Ở một doanh nghiệp có quy mô trung bình như của anh, con số này quả là quá lớn, nhất là trong tình hình kinh tế như hiện nay. Tôi hơi nghi ngờ. Nhưng nhiều nhân viên khác của công ty anh cũng xác nhận con số ấy. Trong đám tang mẹ của anh, tôi gặp một người trước đây lái xe cho anh, anh này cho biết đang là chủ một vườn cây kiểng ở Gò Vấp, và thật thà bày tỏ: "Nhờ sếp cũ giúp đỡ mà tôi có ngày hôm nay!". Thú thật, cách đây khoảng 10 năm, lần đầu gặp anh, tôi từng có ấn tượng không đẹp về một "Việt kiều". Nhưng không ngờ anh sống và làm việc quá tốt, cư xử với nhân viên chu toàn. Ngoài tiền lương hằng tháng, nhân viên đơn vị anh còn có tiền thưởng tháng, quý. Nhiều nhân viên gắn bó với đơn vị anh từ ngày mới thành lập. Được biết, để doanh nghiệp phát triển như hôm nay, anh đã đầu tư xây dựng kế hoạch cho từng bộ phận, chú trọng đào tạo, giao quyền cho cấp dưới, coi trọng công tác kiểm tra, và rất thành công trong việc xây dựng văn hoá công ty, đó là tôn trọng sự đóng góp của mỗi thành viên và có trách nhiệm với cộng đồng, cụ thể như đóng góp cho Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can và nhiều chương trình xã hội - từ thiện khác, nhưng anh đều giấu tên. Với 20 năm trở về quê hương, anh đã đóng góp không ít trí lực cho kinh tế thành phố, tạo công ăn việc làm ổn định cho hằng trăm con người. Chính vì vậy mà anh đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cùng với đơn vị của mình. Thay vì nhân sự kiện này để đánh bóng thương hiệu như bao cá nhân và đơn vị khác, nhưng buổi lễ đón nhận Huân chương của công ty anh diễn ra trong không khí tình thân, số người tham dự phần lớn là bạn bè, các doanh nhân là đối tác. Tại buổi lễ, anh rất tự hào vì đã đóng góp cho quê hương, nhưng không đề cập gì đến việc làm từ thiện của cá nhân mình trong việc phát triển tài năng trẻ. Tôi định phác họa chân dung một doanh nhân đích thực như anh, nhưng rất tiếc anh không muốn cho mọi người thấy mặt... Theo Doanhnhansaigon Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|