Người kế nghiệp và chiếc ghế nóng |
Thứ hai, 08/07/2013, 09:43 GMT+7 |
Được đào tạo bài bản về kinh doanh, được chuẩn bị sẵn một sân chơi để thể hiện năng lực, nhưng người kế nghiệp của Tập đoàn Tân Á Đại Thành Nguyễn Duy Chính vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức trong bước chuyển giao. Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Á Đại Thành Nguyễn Duy Chính “Tôi thán phục mẹ!” Ngày Tập đoàn Tân Á Đại Thành chính thức khai trương trụ sở mới tại Tòa nhà Tân Á Đại Thành - số 124 Tôn Đức Thắng (phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội), đánh dấu hơn 20 năm khẳng định được thương hiệu trên thị trường, cũng là thời điểm được cho là mở ra lộ trình phát triển mới của Tập đoàn này. Bởi lẽ, những ai đã biết về Tân Á Đại Thành thì đều hiểu rằng, đây cũng là thời điểm nữ tướng Nguyễn Thị Mai Phương, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Á Đại Thành chuẩn bị những khâu cuối cùng cho kế hoạch chuyển giao quyền lực cho người con trai của mình – Nguyễn Duy Chính, nhân vật luôn sát cánh bên bà Phương trong những sự kiện trọng đại của Tập đoàn. Nguyễn Duy Chính chính thức đầu quân Tập đoàn Tân Á Đại Thành từ năm 2010, sau khi tốt nghiệp 2 khóa học về marketing và quản trị doanh nghiệp tại Anh. Kể từ đó, nhân vật được cả Tập đoàn dõi theo này phụ trách mảng nhập khẩu nguyên liệu và mảng thương hiệu và hình ảnh cho công ty. Trò chuyện với người kế nghiệp Nguyễn Duy Chính, mới thấy hết được các bước chuyển giao đã được bà Chủ tịch HĐQT tính toán cẩn trọng. Chính kể, bà vẫn là người lo đầu ra cho sản phẩm. “Mẹ tôi không giao cho tôi quá nhiều công việc. Quan điểm của bà là mọi việc đều phải có thời gian và cần sự chắc chắn. Tôi cũng nghĩ vậy, dù sao tôi vẫn là người mới, vừa đi học về, sẽ phải tiếp cận từng bước, chứ không thể ôm đồm. Và điều mà bà luôn nhắc nhở tôi, đó là phải đảm bảo được sự ổn định, không thể vì sự chuyển giao mà những định hướng và chiến lược phát triển của Tập đoàn bị ảnh hưởng”, Chính nói và chia sẻ “tôi thán phục mẹ về tất cả!”. Cũng dễ hiểu khi Nguyễn Duy Chính chứng kiến công việc kinh doanh của gia đình, tận mắt thấy từng bước phát triển của công ty, có những lúc thăng, lúc trầm, có những giai đoạn khủng hoảng nặng nề. Cũng bởi vậy, anh hiểu hơn ai hết về mục tiêu ổn định mà mẹ anh, bà Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Mai Phương luôn đặt lên trên hết, trong điều hành Công ty. Năm 1992, Tân Á gia nhập thị trường với bước đi đầu tiên là làm thương mại cho thương hiệu inox do Đài Loan sản xuất. Tuy nhiên, những kinh nghiệm thu thập được từ những người bạn hàng lại mở ra cho bà Phương cơ hội kinh doanh mới. Bà đã cất công đi nghiên cứu, khảo sát các thị trường chuyên về inox như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, tìm hiểu về công nghệ sản xuất, thị trường nguyên vật liệu. Trong vòng 5 năm, (1993-1996), bà đã quyết định nhập khẩu máy móc và chính thức đưa Tân Á bước chân vào lĩnh vực sản xuất bồn nước inox sau khi sản xuất bồn chứa bằng nhựa. Nguyễn Duy Chính kể lại, sản phẩm đầu tay của Tân Á là bồn nước. “Lúc ra đời, bồn nước inox đã làm khuynh đảo thị trường và thách thức đối thủ. Tôi vẫn nhớ những lúc mẹ tôi vận lộn tìm kiếm thị trường cho hàng Việt khi mà sức ép hàng ngoại gần như áp đảo. Không hiểu mẹ tôi lấy đâu ra nhiều năng lượng mà đến giờ, tôi vẫn cảm thấy luôn sôi sục trong con người bà”, anh Chính nhớ lại. Cũng chính sự sôi sục và đam mê kinh doanh không ngừng trong “nữ tướng” Nguyễn Thị Mai Phương mà sau đại phá thành công của bồn inox, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Nam Đại Thành và Tân Á Đông ở TP.HCM lần lượt ra đời, Tân Á lần lượt bước chân vào sản xuất các sản phẩm đồ gia dụng khác như bình nước nóng, bồn tắm, chậu rửa… Năm 2007, Tập đoàn Tân Á Đại Thành được thành lập với sự sáp nhập của các công ty trong Nam, ngoài Bắc. Bà đã đúng khi mở rộng sản phẩm ngay trong thời điểm huy hoàng của bồn Inox Tân Á, những năm 2005-2007. Vì vậy, cho đến lúc này, khi sản phẩm bồn nước bị bão hòa, Công ty vẫn giữ được tỷ lệ tăng trưởng 15% năm 2012. Theo kế hoạch đã từng được nhắc tới, lộ trình bà Chủ tịch HĐQT - CEO giao ghế nóng cho người con trai kế nhiệm được đặt ra là 5 năm nữa. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là mọi việc sẽ chỉ bắt đầu trong 5 năm tới. Bởi, người kế nghiệp Nguyễn Duy Chính dường như đang muốn đẩy nhanh tiến trình này, muốn nắm bắt và điều hành công ty sớm hơn. Hai nhiệm vụ trên ghế nóng Nguyễn Duy Chính tâm sự, có hai việc anh lên kế hoạch sẽ làm ngay sau khi chính thức ngồi vào ghế nóng. Thứ nhất, cải tiến dịch vụ, thương hiệu của Tân Á tại Hà Nội và các thị trường lớn. Sau đó sẽ là công nghệ nghiên cứu và phát triển sản phẩm, tiết kiệm chi phí. Nhiệm vụ lớn thứ hai, chuẩn bị mọi khâu để đưa Công ty lên sàn trong vòng 3 năm tới. Có vẻ như người kế nghiệp đang muốn thực hành những điều đã được đào tạo bài bản trong các trường học danh tiếng của thế giới. Đi kèm theo đó là quan điểm kinh doanh mới, khác biệt của một người Tây học, rất có thể sẽ va chạm với chính người mẹ – nữ tướng đã gây dựng và đang trực tiếp nắm quyền hành tại Tập đoàn. Chính thừa nhận, nhiệm vụ thứ nhất mà anh đặt ra thực sự là thách thức lớn. “Mẹ tôi đã làm được những kết quả to lớn, rất khó để vượt qua. Điều này sẽ tạo nên áp lực cho tôi trong giai đoạn tới. Nhất là khi quy mô và tiềm lực của công ty hiện tại đã khác xưa rất nhiều”, Chính chia sẻ. Song, cũng phải thấy ngay thuận lợi của người kế nghiệp chính là sự thành công trong kinh doanh, uy tín của thương hiệu đã hơn 20 năm phát triển. Cùng với đó là khả năng ứng dụng công nghệ hiện đại, cách thức quản trị doanh nghiệp mới. Đây là lý do mà Nguyễn Duy Chính tin rằng sẽ tạo nên được bước chuyển mới cho Công ty. “Tôi muốn đưa Tân Á Đại Thành tham gia sàn chứng khoán. Có thể ba mẹ tôi chưa nghĩ tới việc này vì muốn gìn giữ doanh nghiệp cho gia đình, cho các thế hệ con cháu. Nhưng quan điểm của tôi thì cách giữ doanh nghiệp tốt nhất trong thời đại hiện tại chính là sự minh bạch và chuyên nghiệp trong hoạt động”, Nguyễn Duy Chính tâm sự khi kế hoạch lên sàn của anh hiện vẫn chưa thuyết phục được nữ tướng của Tân Á Đại Thành.. Với bà Phương, có thể mục tiêu gìn giữ cho con cháu là điều quan trọng nhất khi bà khởi nghiệp 20 năm trước, sau vô vàn khó khăn. Thậm chí, bà còn muốn mọi thành viên trong gia đình vào làm trong công ty. Trong khi đó, người được chọn kế nghiệp của bà lại không nghĩ vậy. Theo anh Chính, việc niêm yết buộc công ty phải hoạt động chuyên nghiệp, minh bạch tài chính, có nghĩa là năng lực cạnh tranh sẽ có bước cải tiến thực sự. “Tất nhiên, để chuẩn bị cho lộ trình niêm yết, công ty phải chuẩn bị tốt về tâm lý và quản trị, đặc biệt là đội ngũ giám đốc tài chính. Cô em gái đang du học chuyên ngành tài chính sẽ là cánh tay phải của tôi trong kế hoạch này”, Nguyễn Duy Chính chia sẻ. Hiện đã có một số đối tác kinh doanh cùng lĩnh vực, hoặc trong lĩnh vực xây dựng đến từ Hàn Quốc ngỏ ý muốn tham gia mua cổ phần của Tân Á Đại Thành, nhưng Công ty chưa có ý định bán. Cũng có thể bài toán phân chia tỷ lệ cổ phần chi phối đang được Chính tính toán để không đi ngược lại định hướng mà người xây dựng Tân Á mong muốn, đó là tránh mọi sự thâu tóm, đảm bảo ổn định trong hoạt động của doanh nghiệp. Thực ra, nếu giữ nguyên mô hình công ty gia đình, những người điều hành sẽ vô cùng thuận lợi trong mọi quyết định kinh doanh, nhất là trong bối cảnh kinh tế biến động khó lường. Song cùng trong tình hình này, giả sử nếu cần huy động tài chính để làm nên sự bứt phá, mô hình gia đình sẽ là cản trở rất lớn, thậm chí sẽ vô cùng rủi ro khi gánh nặng tài chính đổ dồn vào một phía, thay vì phân chia như trong mô hình công ty đại chúng. Hiện tại, Tân Á Đại Thành không lo về dòng tiền, về chiến lược marketing, như Chính chia sẻ, nhưng ai biết được rằng, các đối thủ cạnh tranh đang có chiến lược thế nào, sẽ có động thái nào. “Mặc dù quan điểm kinh doanh của hai mẹ con vẫn chưa thực sự thống nhất, nhưng chúng tôi đang tìm tới một giải pháp chung dựa trên lợi ích của thương hiệu mà mẹ tôi đã giành cả cuộc đời để xây dựng”, người kế nghiệp “nữ tướng” của Tân Á Đại Thành chia sẻ. Những dấu ấn tương lai Bỏ qua bất đồng trong một số quan điểm kinh doanh, Chính muốn nhắc đến nhiều hơn những gì anh muốn ghi dấu ấn trong tương lai tại ngôi nhà Tân Á Đại Thành. “Khi còn học ở nước ngoài, tôi thấy đủ tự tin để chứng minh năng lực của mình, nhưng khi thực sự bắt tay vào việc, mọi sự có vẻ không đơn giản như vậy. Giờ tôi cảm nhận được rằng, chỉ khi gắn trách nhiệm, quyền lợi của mình vào Công ty thì khi đó, sự phát triển của Công ty sẽ trở thành cuộc sống của mình, chứ không đơn thuần là công việc”, Chính nói. Tuy vậy, Nguyễn Duy Chính hiểu rằng, khoảng cách giữa việc học và hành vẫn rất xa, nhất là khi văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam còn một cách khá xa thông lệ quốc tế. Đó là chưa kể tới chìa khóa quan trọng nhất mà Chính phải có được để triển khai thành công các kế hoạch của mình, đó là con người. Mà điều này, để thay đổi, cần phải có lộ trình và thời gian... Theo Đầu tư Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|