top-banner-2

Thứ năm, 27/06/2013, 09:14 GMT+7

Ông Trương Phi Phụng - Tôi không chạy theo doanh số

Thứ năm, 27/06/2013, 09:14 GMT+7

Tự nhận mình là người ít nói, khó hòa đồng nhưng khi khơi gợi về chuyên môn, ông Phụng sôi nổi hẳn. Trong văn phòng Công ty gần bán đảo Thanh Đa, vị Chủ tịch HĐQT MPC đã chia sẻ với chúng tôi về chuyện nghề, về những trăn trở ông muốn thực hiện cho xã hội.

altÔng Trương Phi Phụng - Chủ tịch HĐQT Công ty Xây dựng Minh Phương (MPC)

Học sư phạm kỹ thuật ngành điện, ông Trương Phi Phụng đã chọn đúng hướng đi khi vào làm tại một công ty xây dựng của Nhà nước. Sau mười lăm năm thành lập công ty và lăn lộn với nghề, người đàn ông đất Quảng đã tạo được cơ ngơi tại TP.HCM, nơi được xem là "đất lành chim đậu".

Ông Phụng cho rằng, là doanh nhân trong thời kỳ mới, chủ doanh nghiệp (DN) phải có bốn trách nhiệm: trách nhiệm đối với nhân viên, với khách hàng, với cổ đông và với cộng đồng. Tùy theo tình hình phát triển của DN mà cùng lúc thực hiện bốn trách nhiệm trên hoặc là thứ tự ưu tiên cho từng trách nhiệm cụ thể.

Trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay, DN cần ưu tiên cho trách nhiệm với nhân viên, dành nhiều kinh phí hơn để đào tạo, nâng cao tay nghề cho "tài sản quý” của mình, giữ nhân viên để chia sẻ khó khăn cho xã hội.

* Đã nhận nhiều giải thưởng như "Nhà quản lý xuất sắc thời kỳ đổi mới" của ba nước ASEAN tại Lào, "Doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu" của TP.HCM..., theo ông, một doanh nhân xuất sắc trong thời buổi này phải như thế nào?

- Tôi cho rằng, doanh nhân ngày nay phải có tài, có tâm, có tầm nhìn và có tâm huyết với nghề nghiệp. Trong điều kiện kinh tế nhiều biến động như hiện nay, nếu doanh nhân không có tài thì rất khó khăn. Nhưng tài phải song hành với tâm và tầm. Bởi nếu có tài mà không có tầm thì cũng khó đưa DN đi lên và nếu không có tâm thì cũng khó phát triển bền vững.

Người có tài sẽ thấy được những khó khăn của ngành, của thị trường và sẽ có biện pháp xoay xở khi bị cuốn vào vòng xoáy đó, như người ta thường nói "Đường tốt thì chạy nhanh, đường xấu nên chạy chậm".

* Với ông thì hiện nay "đường" đang tốt hay xấu?

- Phải nói là đường rất xấu và chúng tôi cũng đang chạy chậm lại. Như chị thấy đó, kinh tế khó khăn, DN phá sản mỗi ngày một nhiều hơn.

Thị trường bất động sản đóng băng, ngân hàng không giải ngân, các nhà thầu không được thanh toán. Kinh doanh trong thời điểm này cần có "tinh thần thép và một cái đầu lạnh".

Trong ngành xây dựng và cơ điện (M&E), chị nhìn xung quanh có bao nhiêu cần cẩu quay đâu! Thị trường thì đứng yên nhưng DN phải duy trì lao động cho công ty mình.

Nội chuyện cân nhắc giữa việc nhận hay không nhận các dự án mới cũng khiến lãnh đạo DN đau đầu. Vì nếu nhận dự án thì có thể dẫn đến rủi ro nhưng không nhận thì không có việc cho nhân viên.

Rồi khi nhân viên hết hợp đồng cũng phải suy nghĩ xem có nên giữ họ lại hay để họ đi... Đủ thứ chuyện mà một lãnh đạo DN phải bận tâm. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn này, DN vẫn có thể thành công nếu biết cách.

Minh Phương là một nhà thầu M&E chuyên nghiệp. Chúng tôi thực hiện các dự án cho các DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam như Parkson, Big C, Beer Heineken (VBL), Ajinomoto, Siemens, Nestle, Starbucks...

Mấy năm qua, đầu tư nước ngoài (FDI) giảm, các nhà đầu tư không mở rộng sản xuất, đầu tư dự án mới nên công ty chúng tôi cũng bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, chúng tôi không chạy theo doanh số mà đi theo chiến lược kinh doanh hiệu quả bằng việc xây dựng uy tín, chất lượng phục vụ, đẩy mạnh duy trì mối quan hệ với khách hàng.

* Có phải nhờ "chiến lược hiệu quả” đó mà dù có bị ảnh hưởng không nhỏ từ suy thoái kinh tế nhưng MPC vẫn đứng trong top 10 thương hiệu M&E tại Việt Nam?

- Trong lĩnh vực này, rất nhiều DN chú trọng đến doanh số mà không đánh giá được thị trường. Dĩ nhiên, có doanh số mới có lợi nhuận nhưng khi thị trường bất động sản đóng băng, các DN chạy theo doanh số sẽ rất khó khăn.

Cũng vì chạy theo doanh số nên họ nhận làm nhiều dự án cùng lúc mà không lường hết được các rủi ro. Nếu có doanh số lớn nhưng công trình không có lợi nhuận hoặc rủi ro về tài chính thì chắc chắn DN sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí, có thể phá sản.

Tôi không chạy theo doanh số. Tôi chọn một kênh riêng là hợp tác với các đối tác nước ngoài để thực hiện dự án.

Trước đây, chúng tôi chủ yếu thực hiện các dự án lớn hoặc hợp đồng từ 100.000USD trở lên nhưng khi kinh tế khó khăn, Công ty đã "chuyển hướng" với các dự án như cửa hàng, shop thời trang.

Chúng tôi tự hào là nhà thầu Việt Nam đầu tiên làm cho Starbucks. Kem Haagen-Dazs cũng là khách hàng của chúng tôi.

Hiện MPC thiết kế, cung cấp và lắp đặt hệ thống M&E như hệ thống điện, chiếu sáng, điều hòa không khí, cấp thoát nước và phòng cháy chữa cháy...

Tất cả đều đảm bảo cao nhất về chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Thi công mà vẫn bảo đảm khách hàng sản xuất liên tục là sở trường của chúng tôi. Vì thế, giá cả có hơi cao hơn thị trường chúng tôi vẫn được khách hàng lựa chọn.

* Đó cũng là lý do MPC luôn là "bạn đồng hành" của những thương hiệu nước ngoài?

- (Cười). Cũng có thể nói là vậy. Thành lập từ năm 2001 và sau 5 năm làm nhà thầu phụ, chúng tôi đã trở thành nhà thầu chính cho nhiều dự án lớn của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Trong đó, 9 năm liền chúng tôi được Nhà máy sản xuất bột ngọt Ajinomoto chọn để thực hiện các dịch vụ về cơ điện. MPC trúng thầu các dự án về cấp thoát nước, điện lạnh, điện chiếu sáng cho tất cả 8 trung tâm thương mại Parkson tại Việt Nam.

Tính đến nay, MPC đã thực hiện hơn 90 dự án, tiêu biểu là dự án cầu Nguyễn Tri Phương, tòa nhà Indochine Park Tower, Sounthern Cross (Nhật), Nhà máy Neslte Việt Nam, Nhà máy UPL (Ấn Độ), Nhà máy beer Tiger, Nhà máy beer Sapporo, Nhà máy Sơn KCC, Nhà máy Điện Cà Mau, Nhà máy Điện Nhơn Trạch, Petro Gas Vietnam...

* Và MPC còn thực hiện các dự án ở nhiều nước trong khu vực ASEAN?

- Hai năm nay, ngoài thị trường trong nước, chúng tôi còn quan tâm đến thị trường Lào, Campuchia. Ngành bất động sản Việt Nam khủng hoảng nhưng tại Lào và Campuchia không như thế.

Gần đây, chúng tôi còn phát triển sang thị trường Myanmar. Tại thị trường mới này, chúng tôi đang tham gia đấu thầu dự án cung cấp hàng cho Liên Hiệp Quốc.

Nếu dự án thành công thì MPC lần đầu tiên thực hiện dự án tại thị trường đang nhiều tiềm năng này. Cơ hội ở thị trường Myanmar lớn lắm (dĩ nhiên cũng không ít thách thức) vì nước này đang trên đà phát triển.

Họ cũng giống như Việt Nam cách đây khoảng 20 năm. Nếu trúng dự án này thì cơ hội mở ra rất nhiều cho MPC trong tương lai.

* Ông từng đặt mục tiêu sẽ có vị trí xứng đáng trong top ten của ngành M&E. Minh Phương đã đạt được chưa, thưa ông?

- Nếu xét theo thương hiệu Việt thì MPC đang nằm trong top ten của ngành M&E Việt Nam. Hiện, 20% DN M&E đang mang lại 80% doanh thu cho toàn ngành. Bên cạnh những thương hiệu nước ngoài thì thương hiệu Việt cũng đang dần khẳng định được chỗ đứng.

Năm 2013, do phải từ chối nhiều dự án mà theo chúng tôi đánh giá là tiềm ẩn nhiều rủi ro nên doanh số giảm mạnh so với trước. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng hướng đi của mình đang đúng và khoảng ba bốn năm nữa thôi, MPC sẽ trở lại như thời hoàng kim.

Vì thị trường Việt Nam có thể hồi phục trong vài năm tới, cùng lúc đó, sự mở rộng từ thị trường các nước trong khu vực sẽ giúp MPC sẽ phát triển.

* Hiện nay, một vấn đề mà các DN quan tâm là nhân sự. Việc "chảy máu chất xám" từ các DN trong nước sang nước ngoài khiến chúng ta lo lắng. Theo ông, làm sao giải quyết vấn đề này?

- Là chủ DN, mình không thể bắt nhân viên "ở" với mình suốt đời. Trong thời gian gắn bó với công ty, nhân viên thường được các DN tổ chức đào tạo hoặc tạo điều kiện để họ học tập, nâng cao kiến thức.

Khi DN phát triển thì năng lực của nhân viên cũng phát triển và đến một lúc nào đó, DN và người lao động không gặp nhau và như vậy, họ có thể đi tìm một DN mới. Việc họ có duyên với DN hay không còn phụ thuộc vào thị trường chứ không hẳn là do DN nước ngoài tuyển lương cao.

Các DN Việt Nam đa phần là DN vừa và nhỏ, một số nhân viên có năng lực thường đòi hỏi nhưng đáp ứng được hay không còn phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh, vào tình hình của DN. Trên thực tế, có những người rất giỏi nhưng không phù hợp nên DN cũng không tuyển dụng họ.

Chẳng hạn, một ông tiến sĩ về năng lượng hạt nhân mà vào một công ty chuyên về thiết kế, thi công các dự án về cơ điện như Minh Phương thì lương bao nhiêu cũng không phù hợp.

Tôi cho rằng, chỉ những ai có tâm, có tài và phù hợp với sự phát triển của DN thì sẽ cố gắng giữ họ lại, còn những ai đã có ý định không gắn bó nữa thì cũng nên vui vẻ để họ ra đi.

* Ai cũng biết, nhân lực là tài sản quý giá của DN. Trong lĩnh vực này, nguồn nhân lực quyết định bao nhiêu phần trăm thành công cho công ty, thưa ông?

- Nghề M&E là nghề dịch vụ nên thái độ, sự tận tâm của nhân viên là rất quan trọng, phải biết quan tâm đến khách hàng mới có thể giữ được họ. Bởi vì thiết bị và nhân công tạo ra chất lượng dịch vụ mà nhân lực không tốt thì chất lượng dịch vụ sẽ kém.

Có thể nói, trong lĩnh vực này, nguồn nhân lực mang đến 70% cho sự thành công của DN.

* Nhiều doanh nhân nước ngoài nhận xét rằng, Việt Nam có văn hóa giao tiếp trên bàn tiệc. Trong lĩnh vực xây dựng, điều này càng thể hiện rõ...

- Không riêng gì Việt Nam mà người Á Đông rất xem trọng các mối quan hệ. Trong kinh doanh, quan hệ với khách hàng là rất quan trọng, vì vậy, việc chăm sóc khách hàng cũng là chuyện thường tình.

Tuy nhiên, tôi quan niệm rằng, với các đối tác, dù có mối quan hệ tốt nhưng nếu sản phẩm không có chất lượng, công ty không có uy tín thì chắc rằng họ sẽ không hợp tác với mình lâu dài.

Chất lượng và uy tín phải là điều được đặt lên hàng đầu. Đến 90% đối tác của MPC là nhà đầu tư nước ngoài mà những DN này rất coi trọng chất lượng và uy tín nên chúng tôi cũng phát triển dựa trên hai yếu tố cốt lõi này.

* Trong một diễn đàn cách đây chưa lâu, ông đã đề xuất sự hỗ trợ của Nhà nước vì MPC là một đơn vị xuất khẩu tại chỗ. Cụ thể, việc này như thế nào, thưa ông?

- Đó là trong một hội thảo của Bộ Công Thương về chính sách hỗ trợ sản xuất cho các DN xuất khẩu. MPC chuyên thực hiện dự án cho các nhà đầu tư nước ngoài - những DN mang ngoại tệ đến cho Việt Nam, như vậy, gián tiếp chúng tôi là những DN xuất khẩu tại chỗ.

Trong khi các DN xuất khẩu khác mang sản phẩm ra nước ngoài mới có ngoại tệ mang về thì chúng tôi làm tại chỗ nhưng ngoại tệ vẫn "chảy" vào Việt Nam.

Vừa có ngoại tệ vừa có những công trình hiện đại cho đất nước thì so với các DN xuất khẩu khác, hình thức xuất khẩu của chúng tôi vẫn tốt hơn. Vì vậy, tôi đã kiến nghị MPC được hưởng chính sách hỗ từ Nhà nước như các DN xuất khẩu khác.

* Vậy sau đề xuất ấy của ông, MPC có nhận được sự hỗ trợ nào từ phía Chính phủ?

- Một vị lãnh đạo của Bộ Công Thương bảo làm công văn gửi lên Bộ để xem xét nhưng tôi không làm. Tôi đề xuất không phải cho DN của tôi mà cho nhiều DN khác nữa.

Như vừa rồi, trong buổi gặp mặt doanh nhân Bình Thạnh với lãnh đạo TP.HCM, tôi cũng đã kiến nghị về sự chậm trễ của Nhà nước trong việc hỗ trợ DN.

Thường các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến chậm khiến DN không thể giải quyết được vấn đề gì. Khi Nhà nước hỗ trợ cho DN vừa và nhỏ thì nên hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, đơn giản và không thất thoát.

Doanh nghiệp nào trong quá khứ có đóng thuế tốt, bảo hiểm xã hội tốt khi DN đó có khó khăn thì phải là đối tượng được ưu tiên.

Chính sách của Nhà nước hướng đến hỗ trợ cho người lao động và DN. Hiện nay, các DN rất khó khăn trong việc xoay nguồn tiền trả lương cho nhân viên và đóng bảo hiểm xã hội.

Nếu Nhà nước hỗ trợ bằng cách cho DN miễn đóng bảo hiểm xã hội là kịp thời cứu DN. Mà một khi DN được miễn đóng bảo hiểm thì người lao động cũng được miễn đóng khoản này.

Nếu DN phá sản thì cũng không có khả năng đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế. Hơn nữa, Nhà nước cũng không thất thoát đồng nào vì không phải chi ra.

Khoản tiền hỗ trợ đó chuyển thẳng vào tài khoản của bảo hiểm mà DN phải đóng. DN chỉ làm một việc là gởi danh sách đóng bảo hiểm của nhân viên lên cơ quan chức năng. Giống như tiền của Nhà nước lấy từ túi bên trái bỏ qua túi bên phải vậy.

* Theo ông, hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với DN hiện nay như thế nào?

- Chính sách hỗ trợ của Nhà nước thường rất chậm. Chỉ khi nào quá khó khăn, DN mới đề xuất hỗ trợ nhưng nhận được những đề xuất này thì các cơ quan quản lý nhà nước "nghiên cứu" rất lâu. Có những chính sách, khi nghiên cứu xong thì nhiều DN đã... chết nên tôi cũng không biết hiệu quả đi đến đâu.

Vì thế, theo tôi, khi ban hành những chính sách hỗ trợ DN, Nhà nước cần cân nhắc đến yếu tố kịp thời. DN mới "ngắc ngoải" thì còn có thể cứu được nhưng khi đã chết thì mọi hỗ trợ trở nên vô nghĩa.

* Xin cảm ơn về cuộc trò chuyện thú vị này!

Theo Doanhnhansaigon


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Ông Trương Phi Phụng - Tôi không chạy theo doanh số

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bhql2024

kndn1

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc