Johnathan Hạnh Nguyễn: 'Tràng Tiền không phải canh bạc' |
Thứ sáu, 05/04/2013, 11:00 GMT+7 |
Chi 400 tỷ đồng cải tạo, mời nhà đầu tư quốc tế góp 3.000 tỷ đồng vào Tràng Tiền Plaza, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ ông không xem dự án này là canh bạc như nhiều lời gièm pha. - Giữa lúc sức mua trong nước suy giảm, kinh tế khó khăn, vì sao ông vẫn đầu tư vào dự án cải tạo Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza? - Tôi là kiều bào về Việt Nam từ năm 1984. Hà Nội khi ấy chưa phát triển như bây giờ. Tràng Tiền thời đó với vị trí trái tim, bộ mặt đẹp nhất của thành phố chỉ dừng lại là Trung tâm Bách hóa tổng hợp nhuốm màu xưa cũ, không có điểm nhấn. Điều đó đã khiến người con xa xứ như tôi chạnh lòng. Từ dạo ấy, tôi ấp ủ ước mơ phải làm được điều gì đó cho thủ đô, cần tìm cách giúp cho viên ngọc quý của Hà thành tỏa sáng với bạn bè thế giới. Uơm mầm 29 năm, giấc mơ ấy chỉ bắt đầu biến thành sự thật từ cách đây 2 năm, khi tôi có cơ hội tham gia đấu thầu dự án cải tạo Tràng Tiền. Trong cuộc chạy đua đó, hành trang của tôi là năng lực tài chính và kinh nghiệm hàng chục năm quản lý, kinh doanh hàng hiệu cùng với mối quan hệ lâu năm với các thương hiệu hàng đầu thế giới. Tôi trúng thầu vì có khả năng giúp tính khả thi của dự án đạt cao hơn các đối thủ khác. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn tiết lộ cải tạo Tràng Tiền là giấc mơ ông đã ấp ủ gần 30 năm nay mới thành hiện thực. - Ông có tham vọng gì khi đầu tư vào trung tâm thương mại hạng sang này? - Hiện nay Việt Nam chưa có trung tâm thương mại nào chuyên về hàng hiệu theo đẳng cấp quốc tế. Trong khi đó, theo tìm hiểu của tôi, khách du lịch có nhu cầu mua sắm rất lớn. Du khách mua sắm 2 thứ: một là hàng lưu niệm (giá trị thấp), hai là hàng hiệu (giá trị cao). Cái gì nước mình còn thiếu tôi muốn làm cho bằng được. Vì vậy, tôi quyết tâm biến Tràng Tiền thành một trung tâm mua sắm hàng hiệu đẳng cấp quốc tế. Ở Sài Gòn giấc mơ của tôi chỉ mới thực hiện được một nửa. Các gian hàng tại Rex, Vincom chỉ rộng chừng 200 m2, lại rải rác chứ không tập trung về một mối. Vì thế không thể trưng bày hết tất cả chủng loại hàng hóa. Tràng Tiền sẽ bù đắp được những khiếm khuyết ấy, trở thành viên ngọc quý, là nơi duy nhất có đầy đủ các tinh hoa hàng hiệu để khách du lịch quốc tế đến đây mua sắm. Tham vọng của tôi là không chỉ hút ngoại tệ của du khách nước ngoài mà còn hướng đến thu hút đôla của khách nội địa. Mục đích là giúp Việt Nam giữ lại ngoại tệ. Tôi tin rồi đây người Việt sẽ tới Tràng Tiền Plaza mua hàng hiệu thay vì chạy ra nước ngoài shopping. - Khi Tràng Tiền được cải tạo thành Trung tâm thương mại, nó từng được kỳ vọng sẽ thu hút nhiều thương hiệu lớn nhưng thực tế đã không thành công. Vậy ông làm thế nào để thu hút các thương hiệu về đây? - Tôi đã theo dõi lịch sử nhiều thăng trầm của Tràng Tiền. Trước đây dự án là khu mua sắm do người Pháp quản lý, sau đó được bán lại cho 49 tư nhân. Giai đoạn kế tiếp là công tư hợp doanh, có thêm sự quản lý của nhà nước. Đến lượt Vinaconex cải tạo lại Tràng Tiền thành trung tâm thương mại thì lại vướng cơ chế không thể chi nhiều tiền để đầu tư cho xứng tầm. Vì vậy các thương hiệu lớn cũng ngại vào. Cho đến khi Công ty quản lý vốn Nhà nước cho đấu thầu dự án cải tạo Tràng Tiền, trung tâm thương mại này được đại phẫu. Với kinh nghiệm kinh doanh hàng hiệu sẵn có, tôi tham gia "phẫu thuật" Tràng Tiền với mong muốn mang lại diện mạo mới cho Hà Nội. Cách thu hút các thương hiệu quốc tế cao cấp về Tràng Tiền là đầu tư đúng đẳng cấp. Những con số về sự lột xác của Tràng Tiền Plaza có thể khiến cho mọi người kinh ngạc. Chẳng hạn như kinh phí đầu tư một gian hàng đạt chuẩn hạng sang tại đây vào khoảng 4-12 triệu USD (phần này các thương hiệu vào đây chi). Trong đó chi phí cho thiết kế đã là một triệu USD. Mặt bằng phải từ 400 m2 trở lên các thương hiệu lớn mới chịu đầu tư vào. Điều này doanh nghiệp Việt Nam khó lòng làm nổi. Chỉ có các thương hiệu lớn với sức sống hàng trăm năm, giá trị tính bằng hàng tỷ USD mới dám bỏ tiền ra mài dũa từng chi tiết. Không kể 400 tỷ đồng cải tạo Tràng Tiền bên ngoài, tổng số tiền hoàn thiện cho 112 gian hàng và hàng hóa lên đến 150 triệu USD, tương đương 3.000 tỷ đồng. Tôi có hơn 20 gian hàng trong ấy nên hiểu rõ sự kỳ công của việc trưng bày, kiến tạo không gian cho hàng hiệu khắt khe đến đâu. Các thương hiệu lớn đòi hỏi không gian hoàn hảo đến từng chi tiết, không để dư một kẽ hở nào. Chuyên viên đến từ khắp nơi trên thế giới giám sát thi công theo tiêu chí khắt khe. Các cửa hàng 3 sao đầu tư thiết kế, lắp ráp chừng 1-2 tháng là đi vào hoạt động nhưng tại Tràng Tiền phải mất 6-9 tháng hoàn thiện trưng bày. - Có ý kiến cho rằng ông đang chơi canh bạc với Tràng Tiền Plaza, ông nghĩ sao? - Tôi không đồng tình cách ví von này. Tôi không phải người đánh bạc và vì vậy Tràng Tiền cũng không phải là canh bạc. Các thương hiệu lớn vào Tràng Tiền có tổng giá trị thương hiệu hàng trăm tỷ USD, họ không ngờ nghệch mang tiền đi đánh bạc. Tình hình khó khăn như hiện nay, đại gia còn phải thắt chặt chi tiêu, nhưng chúng tôi có rất nhiều thông số để giải bài toán kinh doanh chứ không phó thác cho may rủi. Chúng tôi có khảo sát nghiên cứu và có cơ sở dữ liệu để giải bài toán về sức mua. Tôi lấy ý kiến và được hơn 40 thương hiệu quốc tế hàng đầu sẵn sàng đồng hành. Hiện nay Tràng Tiền chỉ còn 5% diện tích trống, chủ yếu là mặt bằng nhỏ, có thể bố trí các dịch vụ thanh toán để lấp đầy 100%. Khi các thương hiệu lớn đều có mặt, uy tín và sức hút của Tràng Tiền sẽ tăng lên. Sự đồng thuận, hậu thuẫn lẫn nhau là tiền đề cho thành công. Tôi không đầu tư cho lúc này hay 1-2 năm tới. Tôi ký những hợp đồng dài hạn kèm theo sự cam kết vững chắc. Mới đi vào vận hành, những năm đầu tất nhiên không thể có lợi nhuận ngay tức khắc, nhưng thành công sẽ đến nếu đi đúng hướng. Các thương hiệu lớn xuất hiện cũng nâng đẳng cấp du lịch của Việt Nam lên một tầm mới. Johnathan Hạnh Nguyễn khẳng định ông không đánh bạc với dự án Tràng Tiền. Ảnh: Anh Quân - Theo nghiên cứu của ông, thói quen mua sắm hàng hiệu của giới có thu nhập cao tại Hà Nội khác với Sài Gòn thế nào? - Hàng hiệu không có sự khác biệt quá lớn về thói quen tiêu dùng. Bởi lẽ, mỗi thương hiệu đều có một gu riêng và những người chuộng hàng hiệu cũng có phong cách, cá tính riêng. Nếu có sự khác biệt thì đó là hàng hiệu định vị khách hàng theo nhiều tiêu chuẩn đặc thù: giới tính, lứa tuổi, thời tiết, khí hậu, thể hình và văn hóa. Hà Nội khác Sài Gòn khá nhiều về thời tiết, vì thế người ta mua hàng hiệu theo gu thay đổi theo mùa. Người Châu Á, Châu Âu khác nhau về thể hình, vì vậy họ ưa chuộng những sản phẩm không giống nhau. Việc lựa chọn các thương hiệu để mang về Việt Nam cũng không đơn giản vì nếu mang loại hàng hóa không phù hợp sẽ bị thị trường từ chối. - Tràng Tiền không chỉ là nơi mua sắm mà còn là nét văn hóa rất riêng của Hà thành. Nhiều gia đình cuối tuần đưa người thân đến đây vui chơi giải trí. Với một Tràng Tiền Plaza xa hoa toàn hàng hiệu như hôm nay liệu có còn quyến rũ được người Hà Nội? - Tràng Tiền Plaza ngày nay dù thay da đổi thịt so với ngày xưa, xuất hiện hình ảnh hiện đại, sang trọng và kiêu sa hơn nhưng rất phóng khoáng trong cung cách phục vụ. Nếu cửa hàng bách hóa tổng hợp ngày xưa có phong cách bình dân thì ngày nay trung tâm thương mại Tràng Tiền đa phong cách hơn. Ở đó đủ sức đáp ứng được nhu cầu của mọi giới. Người có thu nhập cao hay khả năng tài chính khiêm tốn đều có thể tìm cho mình hàng hóa vừa túi tiền trong khu mua sắm này. Tầng 1-3 chuyên về hàng hiệu đắt tiền nhưng các tầng trên cũng không thiếu hàng hiệu giá vừa phải, rất nhiều sự lựa chọn. Thậm chí Tràng Tiền còn có cả khu ẩm thực, giải trí đa dạng. Sự khác biệt giữa xưa và nay chính là khả năng khơi gợi cảm xúc mạnh mẽ hơn, cộng hưởng của nhiều thương hiệu thuộc mọi phân khúc sẽ giúp cho Tràng Tiền đầy màu sắc. Tôi tin những tâm hồn Hà Nội xưa sẽ mở rộng vòng tay với một Tràng Tiền hiện đại được mài dũa tinh xảo thành viên ngọc sáng. Người Hà Nội sẽ tự hào vì có một Tràng Tiền hài hòa giữa cổ điển và hiện đại, vừa thời thượng nhưng cũng rất bình dân. - Kinh doanh hàng hiệu tại Việt Nam có những thuận lợi và khó khăn gì thưa ông? - Hàng hiệu ở nước ta bị gọi là hàng xa xỉ vì Nhà nước áp thuế quá cao. Đây là một khó khăn đáng kể vì Việt Nam sẽ khó cạnh tranh với các nước có mặt bằng thuế thấp hơn. Singapore, Hong Kong thuế hàng hiệu bằng 0%, Thái Lan và Philipines 5% trong khi Việt Nam vẫn áp 25-30%. Tuy nhiên các thương hiệu lớn đồng hành cùng với tôi tại Việt Nam đã đồng thuận cắt lãi. Tôi cũng chấp nhận giảm lời để kéo giá hàng hiệu tại Việt Nam xuống bằng với các nước khác. Sự hy sinh này nhằm phục vụ số đông người tiêu dùng mà vẫn đảm bảo nộp đủ thuế cho Nhà nước. Khó khăn thứ hai là đầu tư quá lớn thời gian hoàn vốn chậm. Thứ ba là sức mua đang giảm do kinh tế chưa ổn định. Tuy nhiên bài toán này có thể bù đắp bằng sức mua của du khách quốc tế. Chờ đến khi kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn, sức mua nội địa sẽ trở lại, chúng tôi tin tưởng sẽ có lãi. Hàng chục nhãn hàng xa xỉ quốc tế đã có mặt tại Tràng Tiền trước ngày khai trương 6/4. Thuận lợi của Việt Nam trong kinh doanh hàng hiệu là sẽ có được đội ngũ chuyên viên về thương hiệu cao cấp để phục vụ thị trường này. Các chuyên viên về hàng hiệu tại Việt Nam sẽ được những thương hiệu ngoại đào tạo chuẩn hóa theo thông lệ quốc tế. Điều này giúp sự hiểu biết về hàng hiệu được nâng cao hơn, dễ mở rộng kênh tiêu thụ hơn. Các thương hiệu lớn xuất hiện cũng nâng đẳng cấp du lịch của Việt Nam lên một tầm mới. Kinh nghiệm của tôi là đừng vì thị trường khó khăn mà không mạnh dạn làm. Biểu đồ tăng trưởng có hình sin, các giai đoạn tăng giảm đan xen nhưng mức giảm luôn thấp hơn mức tăng. Có chấp nhận nếm mật nằm gai thì mới gặt hái được phần thưởng xứng đáng. - Xã hội Việt Nam vẫn còn không ít cái nhìn khắt khe đối với người dùng hàng hiệu, đặc biệt trong bối cảnh thu nhập của đại đa số người dân còn thấp. Theo ông chừng nào định kiến này sẽ được thay đổi? - Đúng là tại Việt Nam vẫn còn một bộ phận người dân có cái nhìn khắt khe với hàng hiệu vì nhiều lý do khác nhau. Thế nhưng xã hội đang tiến lên, kinh tế luôn khát khao lao về phía trước, quá trình hội nhập đang mạnh mẽ và không ai có thể cản nổi nhịp thở của thời đại. Không thể ngăn những người có thu nhập cao chọn hàng hóa tốt nhất, sang trọng nhất nếu điều đó thỏa mãn nhu cầu và sở thích của họ. Nói một cách khác, chừng nào xã hội này còn có người săn lùng hàng hiệu thì chừng đó những mặt hàng bị gọi là xa xỉ nhất vẫn xuất hiện để phục vụ thượng đế của mình. Hàng hiệu là biểu tượng của chất lượng cao, đẳng cấp vượt trội, mang đến những giá trị tinh tế, đầy sáng tạo, giàu cảm xúc với mục đích cuối cùng là phục vụ một xã hội phát triển. Các thương hiệu lớn này cũng biết cách "chơi đẹp" khi lợi nhuận của họ song hành với trách nhiệm cộng đồng, không trốn thuế, biết sẻ chia. Vì thế, tôi tin các định kiến về hàng hiệu sẽ dần dần được cởi bỏ, cơn lốc hàng hiệu sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn và được đón nhận nhiều hơn. (Theo Vnexpress) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|